Hotline: 028 3829 8686 — 0941 717 838 — vankhoaussh@hcmussh.edu.vn

GIỚI THIỆU VỀ DỊCH THUẬT

vankhoaussh-“Dịch là chuyển đạt một văn bản từ một ngôn ngữ này (nguồn) sang một ngôn ngữ khác (đích) một cách trung thành trong chừng mực có thể, cả về nội dung lẫn về hình thức.”

GIỚI THIỆU VỀ DỊCH THUẬT

1. Quá trình hình thành và phát triển của Dịch thuật

Dịch thuật đã xuất hiện từ hàng ngàn năm trước đây, từ thế kỷ 3 TCN dịch thuật và chuyển đổi ngôn ngữ đã được lịch sử ghi nhận. Năm 382, Đức Giáo Hoàng Damasus ủy thác cho St. Jerome dịch Cựu Ước và Tân Ước sang tiếng Latin từ các văn bản tiếng Hy Lạp và tiếng Hebrew gốc. Các tác phẩm mới được gọi là Vulgate.

Sau đó các tác phẩm văn học (Homer: Iliat, Odyssey), triết học(Socrares, Plato và Aristotle)... được dịch sát từng từ một nhưng dần dà đặt ra vấn đề đối lập giữa một bên là “ý nghĩa” nằm trong bản gốc, với bên kia là “từ ngữ”, cái phải bị thay đổi. Người La Mã đã không quan tâm đến vật lý, thiên văn, toán học, mà lĩnh vực này người Hy Lạp lại rất coi trọng. Chính người Ả Rập đã dịch những văn bản khoa học của người Hy Lạp từ thế kỷ 8, rồi sau đó lại phát tán chúng đến phương Tây.

Vào thế kỉ XV, máy in được Johannes Gutenberg phát minh. Công nghệ in đóng vai trò rất quan trọng trong việc xuất bản sách và dịch thuật bắt đầu phát triển. Dịch thuật giai đoạn này được chia thành hai trường phái: diễn dịch và chuyển ngữ. Trường phái diễn dịch: đem văn bản nguồn diễn giải ra một cách đơn giản nhất sao cho số đông dân chúng có thể hiểu được mà không cần thuộc tầng lớp trí thức. Trường phái thứ hai là chuyển ngữ: dịch văn bản gốc thành những thứ tiếng khác nhau để thuận tiện cho việc truyền tải kiến thức và giao lưu văn hóa, thường là những tác phẩm về tôn giáo hoặc khoa học.

Đến thế kỷ 19 khi xuất hiện một tư duy dịch thuật hoàn toàn mới: khái niệm “translatio studii” (chuyển giao kiến thức) tri thức được chuyển dịch từ Hy Lạp sang Rome, sau đó từ Rome lan tỏa đến cộng đồng Cơ Đốc giáo, sự chuyển giao tri thức song hành với sự chuyển giao quyền lực (translatio imperii).

2. Khái niệm Dịch thuật

Trên thế giới có đến khoảng 7.102 ngôn ngữ, nhưng chỉ có khoảng 500 thứ tiếng đã được nghiên cứu đầy đủ. Tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha là những thứ tiếng phổ biến và được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới.

- Có nhiều nhà nghiên cứu đưa ra khái niệm về dịch thuật:

+ M. Fyodorov (1950): “Dịch là chuyển đạt một văn bản từ một ngôn ngữ này (nguồn) sang một ngôn ngữ khác (đích) một cách trung thành trong chừng mực có thể, cả về nội dung lẫn về hình thức.” 

+ Hartman & Stock (1972) cho rằng: dịch là thay thế một văn bản trong một ngôn ngữ bằng một văn bản tương đương trong ngôn ngữ thứ hai.

+ Nida & Taber (1974): dịch thuật là tái tạo lại trong ngôn ngữ tiếp nhận (receptor language) sự tương đương tự nhiên và sát với thông điệp của ngôn ngữ nguồn (source language), trước hết là về nghĩa (meaning) và sau đó là phong cách (style).

+ Theo Larson (1998), dịch thuật là nghiên cứu từ vựng, cấu trúc kết học, hoàn cảnh giao tiếp và ngữ cảnh văn hóa của văn bản ngữ nguồn, phân tích văn bản để xác định nghĩa, rồi sử dụng từ vựng và cấu trúc kết học phù hợp trong ngôn ngữ tiếp nhận để tái lập cùng nghĩa.

+ Newmark (1981) lại cho rằng: dịch thuật là chuyển một văn bản này thành một văn bản khác theo cùng cách tác giả thể hiện khi viết văn bản đó.

+ Rudolf Pannwitz khuyến nghị (Berman, 1984, tr.36): “Các bản dịch của chúng ta, kể cả những bản hay nhất, đều xuất phát từ nguyên tắc sai lầm là muốn Đức hóa tiếng Phạn, tiếng Hy Lạp, tiếng Anh, thay vì phải Phạn hóa, Hy Lạp hóa, Anh hóa tiếng Đức (…). Sai lầm căn bản nằm ở chỗ bảo lưu trạng thái thứ yếu của ngôn ngữ mẹ đẻ thay vì phải để nó tuân phục những xung lực tàn bạo của ngoại ngữ”.

3. Các tiêu chí đánh giá bản dịch

Nghiêm Phục đã đề xuất ba tiêu chuẩn cần phải tuân thủ trong khi dịch thuật, đó là: Tín, Đạt, Nhã.

Các tiêu chí cho một bản dịch tốt được Massoud (1988: 19-24) đặt ra như sau: “là một bản dịch dễ hiểu; là một bản dịch gãy gọn và lưu loát; là một bản dịch sử dụng các cụm từ phổ biến hoặc thành ngữ; truyền đạt, đến mức độ nào đó, sự tinh tế của văn bản gốc; có khả năng phân biệt ngôn từ ẩn dụ và ngôn ngữ văn chương; là một bản dịch có thể dựng lại bối cảnh văn hóa/lịch sử của văn bản gốc; dịch rõ ràng những chữ viết tắt, và các từ, cụm từ phiếm chỉ, bài hát, và lời ru; là bản dịch truyền tải càng nhiều càng tốt ý nghĩa của văn bản gốc”.

El Shafey (1985: 83) lại đưa ra các tiêu chí khác đối với người dịch và một bản dịch tốt, đó là: “kiến thức về ngữ pháp của ngôn ngữ nguồn cộng với kiến thức về từ vựng, cũng như sự hiểu biết tốt về văn bản cần dịch; khả năng của người dịch trong việc chuyển thể văn bản cần dịch (văn bản ngôn ngữ nguồn) sang ngôn ngữ đích; bản dịch cần nắm bắt được phong cách hoặc văn phong của văn bản gốc, bản dịch cần truyền tải được thông điệp của văn bản cần dịch”.

El Zeini (1994: xvii) đề xuất một mô hình thực tế để đánh giá chất lượng trong dịch thuật, bà đặt các tiêu chí về nội dung cũng như các tiêu chí về phong cách trong dịch thuật ở vị trí quan trọng ngang nhau. Bà hy vọng “dịch giả có thể giảm thiểu được các lỗi hoặc thiệt hại mà các lỗi dịch này mang lại, cũng như loại bỏ được các vấn đề về việc nội dung bản dịch không trong sáng”.

3. Phương pháp và quy trình dịch

Mục đích cơ bản của bản dịch là để tái sản xuất các loại văn bản, bao gồm văn học, tôn giáo, khoa học, triết học văn bản, bằng ngôn ngữ khác và làm cho độc giả phát triển ngôn ngữ rộng lớn hơn.

Để cho một bản dịch được tốt và hoản hảo bạn cần nắm được phương pháp và qui trình dịch thuật.

3.1. Phương pháp dịch

Có nhiều nghiên cứu về phương pháp dịch: Koller nêu lên hai phương pháp dịch: phương pháp dịch thích nghi (cải biên) và phương pháp dịch mô phỏng văn hóa; Snell-Hornby, Reiß, Vermeer và Nord: dịch nguyên văn và dịch tự do; Hönig và Kußmaul: không dùng thuật ngữ phương pháp dịch, mà dùng thuật ngữ thủ pháp dịch...

- Biên dịch là phương pháp dịch thuật văn bản, tài liệu từ một ngôn ngữ này sang một hay nhiều ngôn ngữ khác hoặc dịch song song hai ngôn ngữ. Phiên dịch là phương pháp dịch nói, hoặc diễn giải lại câu của người khác sàng một ngôn ngữ để người nghe hiểu.

- Dịch đuổi là quá trình phiên dịch nối tiếp, sau khi người nói kết thúc một đoạn văn hay một câu nói, phiên dịch viên sẽ phiên dịch đoạn văn đó hay câu nói đó sang ngôn ngữ phiên dịch. Dịch đuổi thường được sử dụng trong các hội thảo, các cuộc hội đàm giữa các nguyên thủ quốc gia.

- Dịch song song (dịch Cabin) là cách thức dịch mà phiên dịch viên  thường ngồi vào cabin cách âm, sau đó nghe người nói thông qua tai nghe rồi dịch lại vào microphone, hình thức dịch này cũng thường sử dụng trong các hội thảo, hội nghị, show truyền hình.và phim truyện – thường được biết đến tên gọi là thuyết minh.

- Dịch thuật công chứng là việc dịch các văn bản, tài liệu từ ngôn ngứ này sang ngôn ngữ khác, các văn bản này phải có chữ ký của người dịch văn bản, tài liệu đó, và phải có dấu chứng thực của phòng tư pháp quận, huyện để đảm bảo giá trị pháp lý của bản dịch về mặt pháp luật. Đồng thời khẳng định nội dung bản dịch đúng với nội dung bản gốc. Các loại hồ sơ, giấy tờ thường phải công chứng bao gồm: hộ khẩu, học bạ, bằng tốt nghiệp, đăng ký kết hôn, lý lịch tư pháp, đăng ký kinh doanh, chứng nhận xuất xứ, chứng nhận chất lượng, hợp đồng, hộ chiếu, sổ tiết kiệm v.v...

- Hiệu đính bản dịch là hình thức chỉnh sửa, rà soát lỗi của bản dịch một lần nữa, đồng thời đối chiếu, so sánh với bản gốc, kiểm tra xem nội dung của bản dịch có đúng, có chính xác với bản gốc hay không? Thông thường, phí hiệu đính bản dịch thường bằng ½ so với giá dịch ban đầu, điều này tùy thuộc vào khách hàng có yêu cầu hiệu đính hay không?

- Dịch qua điện thoại là hình thức dịch chủ yếu qua điện thoại hay email, mà không cần gặp mặt trực tiếp, hình thức dịch này áp dụng về khoảng cách địa lý, lãnh thổ giữa các quốc gia với nhau. 

- Dịch chuyên ngành: là hình thức dịch các tài liệu - văn bản của một chuyên ngành, lĩnh vực cụ thể nào đó, có thể có nhiều lĩnh vực – chuyên ngành khác nhau như kinh tế - tài chính, kỹ thuật – công nghệ, tài nguyên – khoáng sản, chứng khoán – ngân hàng...

- Dịch dựa trên ngữ pháp (Grammar translation): căn cứ vào cấu trúc ngữ  pháp của câu, yêu cầu người dịch phải nắm vững và nhận định được các thành tố của câu.

- Dịch từng từ (word for word): chuyển đổi  ngôn ngữ gốc (source language) sang ngôn ngữ dịch (target language) chỉ bằng cách dịch tuần tự:  từ sang từ, vế sang vế và câu sang câu.

- Dịch nguyên văn: cấu trúc ngữ pháp của ngôn ngữ gốc được chuyển sang cấu trúc gần nhất của ngôn ngữ dịch nhưng từ vựng được dịch theo nghĩa thông thường nhất, tách rời ngữ cảnh nhưng vẫn bám sát nghĩa đen.

- Dịch thoátngười dịch thoát ra khỏi ràng buộc của ngôn ngữ gốc, dùng ngôn ngữ dịch để diễn giải ý nghĩa của bản gốc một cách tự nhiên và phù hợp với ngữ cảnh, văn hóa của ngôn ngữ dịch.
 
Tùy vào đặc tính của ngôn ngữ, văn hóa quốc gia, lĩnh vực... mà dịch thuật viên lựa chọn, kết hợp các phương pháp phù hợp để bản dịch đạt được hiểu quả cao nhất.

3.2. Qui trình dịch

- Nghiên cứu, phân tích tài liệu

- Lập kế hoạch thực hiện dịch thuật

- Tạo thuật ngữ, chú giải tài liệu

- Dịch thuật, kiểm tra, chỉnh sửa tài liệu

- Hiệu đính tài liệu

- Định dạng tài liệu

- Kiểm tra tài liệu

- Bàn giao tài liệu

- Nhận chỉnh sửa theo yêu cầu

4. Kết luận

Theo Lâm Quang Đông: “Người làm công tác dịch thuật cần nhiều loại kiến thức: ngôn ngữ, văn hoá, kiến thức phổ thông hay kiến thức nền (general or background knowledge) và kiến thức chuyên môn. Họ cần phải thông thạo, có vốn từ vựng phong phú, hiểu biết thấu đáo những vấn đề ngôn ngữ học của cả hai ngôn ngữ, hiểu biết những tương đồng và khác biệt giữa hai ngôn ngữ không những chỉ về ngữ pháp mà còn về ngữ nghĩa và ngữ dụng. Những hiểu biết đó gắn chặt với tri thức văn hoá về đất nước, con người, lối sống, thói quen, phong tục tập quán của hai cộng đồng ngôn ngữ. Đến lượt chúng, tri thức văn hoá lại phải dựa trên một nền tảng tri thức bách khoa vững chắc và liên tục được cập nhật. Cuối cùng, mỗi một chuyên ngành có những thuật ngữ, cách diễn đạt riêng, phong cách riêng, đòi hỏi người làm công tác dịch thuật phải hiểu được chí ít là ý nghĩa, nội hàm của chúng, dẫu rằng không thể sâu như một nhà chuyên môn.”

Dịch thuật không phải là một môn khoa học chính xác mà là một sản phẩm trí tuệ. Trong đó, mức độ tập trung khác nhau của cùng một chuyên viên ngôn ngữ có thể tạo ra sản phẩm cuối cùng khác nhau. Đó là chưa kể đến những sản phẩm dưới mức tiêu chuẩn được thực hiện bởi những nhóm hoặc điểm dịch thuật tự do, thiếu kinh nghiệm và không đủ kỹ năng. Quan trọng hơn cả, mỗi một từ là một quyết định của người dịch thuật, mà quyết định của một người thì có thể đúng và rất có thể sai. Khả năng mắc lỗi tỉ lệ thuận với với số từ cần chuyển ngữ. Đó là những lý do cần phải có sự bảo đảm chặt chẽ về chất lượng.

 

Tin khác: