1. NGÀY 1: TP.HCM – SÓC TRĂNG – CHÙA DƠI – LÀM CỐM DẸP – PHỤC DỰNG LỄ CÚNG TRĂNG (30/10/2020)
Tham quan Chùa Dơi (Wathserâytêchô – Mahatup): đường Văn Ngọc Chính, phường 3, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Chùa Dơi được xây dựng từ năm 1569, do ông Thạch Út đứng ra xây dựng. Toàn bộ các công trình toạ lạc trong một khuôn viên rộng có nhiều cây cổ thụ, diện tích khoảng 4ha, kiến trúc chùa Dơi gồm: ngôi chánh điện, Sala, nhà hội của sư sãi và tín đồ, phòng ở của sư sãi và trụ trì, các tháp để tro người chết, phòng khách…. Tại chùa còn lưu giữ những bộ kinh được ghi trên lá cây thốt nốt, hiện vật, sử sách… vô cùng quý hiếm mang giá trị văn hóa đặc trưng của người dân miền Tây Nam Bộ.
Đặc biệt, chùa Dơi còn là nơi trú ngụ của hàng vạn cá thể dơi sinh sống, dơi ở đây chỉ đậu những tán cây trong khuôn viên chùa nhưng có một điều bí ẩn mà không ai lý giải được là dơi đi ăn rất xa, không ăn trái cây vùng lân cận cũng như trái cây trong khuôn viên Chùa.
Trải nghiệm làm cốm dẹp: xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng
Cốm dẹp là đặc sản của người dân tộc Khmer Nam Bộ, lễ vật không thể thiếu trong lễ cúng Trăng. Người Khmer lấy lúa nếp giã thành cốm dẹp đem đến các bãi trống không có bóng cây che khuất để làm lễ cúng Trăng.
Phú Tân là một trong những làng nghề làm cốm dẹp nổi tiếng của tỉnh Sóc Trăng. Cốm dẹp được giã từ loại lúa nếp vừa đỏ đuôi, cốm vừa giã xong dẻo, thơm mùi nếp mới, muốn ăn ngon hơn người ta trộn cốm dẹp với dừa rám, ít nước dừa và đường cát trắng.
Chương trình phục dựng lễ cúng Trăng: 20h30 tại Quảng trường Bạch Đằng, thành phố Sóc Trăng.
Người Khmer quan niệm Mặt Trăng là vị thần mang sự phát triển thuận lợi cho mùa màng và công việc đồng áng. Khi nắng tắt, mâm cúng bắt đầu được bày biện, lễ vật là những loại rau, củ, trái cây trong vườn, cốm dẹp, trái dừa được vạt sẵn giữ lại nắp. Hai cây trụ làm cổng ngay bàn cúng tượng trưng cho “vành đai vũ trụ”, bàn tượng trưng cho “Trái đất”, 2 cây mía tượng trung cho “sự sinh sôi, nảy nở”, 3 cây nến cắm trên cổng tượng trưng cho ba mùa trong năm “nắng, mát, mưa”, 12 lá trầu được treo hai bên cổng tượng trưng cho “12 tháng trong năm và 12 con giáp”, 7 trái cau có hình dáng con ong bầu tượng trưng cho “bảy ngày trong tuần”, 30 lá trầu đặt bên phải bàn cúng tượng trưng cho “tháng đủ”, 29 lá trầu đặt bên trái bàn cúng tượng trưng cho “tháng thiếu”…
Trăng lên, các vị trưởng lão đức cao vọng trọng, vị Achar được mời đến tiến hành nghi Lễ cúng Trăng trước sự chứng kiến của các sư. Mọi người ngồi quay quần quanh mâm cúng, sau lời khấn tạ ơn và đọc một đoạn kinh cầu phúc, những đứa trẻ sẽ lần lượt được gọi lên để “oóc-om-bóc” (đút cốm dẹp). Miệng ngậm đầy cốm dẹp lẫn các loại củ, trái cây… mỗi thứ một ít được vắt thành nắm, đứa trẻ vừa nuốt cốm dẹp, vừa nói lên ước muốn của mình gửi tới mặt trăng.
2. NGÀY 2: CHÙA KH’LEANG – CHÙA SOM RONG - XEM ĐUA GHE NGO – TPHCM (31/10/2020)
Tham quan chùa Kh’Leang: 53 Tôn Đức Thắng, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
Chùa Kh’Leang là ngôi chùa cổ nhất tỉnh Sóc Trăng được xây dựng vào khoảng năm 1533, với khuôn viên rộng 3825m2, mang đậm dấu ấn kiến trúc Khmer có pha trộn phong cách Việt – Hoa trong bài trí.
Quần thể kiến trúc chùa Kh’Leang bao gồm: ngôi chánh điện, Sala, nhà tăng, hội trường,… đa số đều được xây dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống của dân tộc Khmer Nam bộ xa xưa, mỗi công trình đều được điêu khắc, chạm trổ hoa văn, họa tiết tinh xảo mang đậm nét kiến trúc cổ của người Khmer. Bức cửa võng chánh điện có đan xen một số hình ảnh, hoa văn họa tiết trang trí của người Kinh; trên các thân cột trụ, hình cá chép, rồng và các chữ Hán được vẽ trên các thân cột mang đặc trưng của người Hoa.
Tham quan chùa Wat Pawtum Wôngsa Som Rong: 367 Tôn Đức Thắng, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Người dân địa phương quen gọi là chùa Som Rong (trước đây có nhiều cây Som Rong mọc quanh chùa), được xây dựng năm 1785, đã trải qua 12 đời trụ trì là nơi cầu bình an, may mắn quen thuộc của người dân Sóc Trăng. Chùa được xây dựng theo kiến trúc chùa Khmer bao gồm: chánh điện, Sala, nhà dành cho sư sãi và còn có thêm một thư viện sách. Khuôn viên chùa có Tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn uy nghiêm phúc hậu ở ngoài trời với kích thước dài 63 mét, cao 22,5m, đặt trên cao khoảng 28m so với mặt đất.
Nét độc đáo ở ngôi tháp chính là màu sơn, thay vì màu vàng truyền thống thì tháp được sơn bằng màu xám, vừa toát lên vẻ hiện đại lại vừa uy nghi, cổ kính như những kiến trúc bằng đá nguyên khối. Đây là một trong những địa điểm check-in thu hút đông đảo giới trẻ.
12h00: Chung kết Lễ hội đua ghe Ngo tại Khán đài đường đua ghe Ngo, thành phố Sóc Trăng.
Đua ghe Ngo là hoạt động rước đặc trưng của cư dân nông nghiệp lúa nước thể hiện sự biết ơn đối với thần nước đã phù hộ cho người dân mùa màng bội thu. Lễ hội đua ghe Ngo gồm hai hạng mục thi đấu: 1000m nữ, 1200m nam.
Ghe Ngo ngày xưa là một chiếc thuyền độc mộc, làm từ một thân cây khoét ruột, nhưng ngày nay ghe Ngo được làm bằng cách ghép nhiều mảnh ván lại. Ghe có hình như con rắn, dài từ 25m đến 30m, chỗ rộng nhất 1,1m, đầu uốn cong như đầu rắn, đuôi cũng được uốn cong nhưng cao hơn đầu một chút. Mỗi ghe đảm bảo từ 40 đến 60 người ngồi bơi và chỉ huy; có ba người điều khiển: một người ngồi mũi thuyền chỉ đạo tâm linh của ghe đua, tổ chức lễ xuống ghe, chỉ huy toàn ghe, điều khiển kỹ thuật của ghe đua; người ngồi giữa và người ngồi cuối đuôi thổi còi thúc giục và điều chỉnh kỹ thuật bơi của vận động viên.
3. KẾT THÚC HÀNH TRÌNH
Xe đưa quý khách về điểm trả khách, kết thúc chuyến trải nghiệm.
4. ĐIỀU KHOẢN CHƯƠNG TRÌNH
*Giá tour: 1.550.000 đồng/khách.