Hotline: 028 3829 8686 — 0941 717 838 — vankhoaussh@hcmussh.edu.vn

HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ PHẬT TỰ TẠI BÌNH DƯƠNG (1N)

Hành trình khám phá các Phật tự tại Bình Dương để tìm hiểu lịch sử văn hóa, kiến trúc tôn giáo Phật giáo

LỜI GIỚI THIỆU
 
             Thay mặt Ban Giám đốc Công ty TNHH Dich vụ Khoa học và Du lịch Văn Khoa xin gửi lời chúc sức khỏe và lời chào trân trọng.

             Công ty TNHH Dich vụ Khoa học và Du lịch Văn Khoa tổ chức Hành trình khám phá các Phật tự tại Bình Dương để tìm hiểu lịch sử văn hóa, kiến trúc tôn giáo Phật giáo do các chuyên gia có học vị Tiến sĩ đang nghiên cứu, giảng dạy tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân làm diễn giả trình bày. Chúng tôi hy vọng du khách tham gia hành trình có được những trải nghiệm đáng quý, đáng trân trọng.
 
HÀNH TRÌNH KHÁM PHÁ PHẬT TỰ TẠI BÌNH DƯƠNG
 
             1. Bắt đầu hành trình

              Quý khách được đón tại địa điểm yêu cầu.

             2. Điểm đến

             2.1. Chùa Hội Khánh: 35 Yersin, Phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương

            Chùa Hội Khánh là công trình tôn giáo lâu đời, tiêu biểu của các ngôi chùa cổ và lớn nhất tỉnh Bình Dương. Nét nổi bật của ngôi cổ tự này là giá trị phong phú về mặt lịch sử, văn hoá, nghệ thuật kiến trúc, và đặc biệt phần lớn những di vật, cổ vật hàng mấy trăm năm trước vẫn được bảo tồn lưu giữ cho đến ngày nay. Tại đây lưu giữ bộ mộc bản in sách kinh cách đây trên 120 năm và đây có thể là bộ mộc bản ra đời sớm nhất ở Bình Dương. Các bộ kinh sách A Di đà, Hồng danh, Vu lan, Bát dương được lưu hành trong chùa đều là các bản in được phát hành vào loại sớm nhất ở Nam bộ. Chánh điện có những câu liễn đối tiêu biểu cho đạo vị thiền học được nhiều người nhắc đến:

 “Nhược thực nhược hư trúc ảnh tảo giai trần bất động

Thị không thị sắc nguyệt xuyên hải để thuỷ vô ngân”

(Như thực như hư, bóng trúc quét thềm, bụi trần chẳng động.

Là không là sắc, ánh trăng xoáy biển, nước biển không nhồi)

 
            Với những giá trị kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử và văn hóa to lớn, chùa Hội Khánh đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia từ năm 1993. Chùa giữ kỷ lục về tượng Phật nhập niết bàn nằm trên mái dài nhất châu Á. Với kích thước dài 52 m, cao 12 m nằm cách mặt đất 24 m, đây cũng là tượng Phật nằm dài nhất Việt Nam.

             2.2. Chùa Bà Bình Dương (Miếu Bà Thiên Hậu): số 4, Nguyễn Du, Phường Phú Thọ, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương

             Miếu Bà Thiên Hậu được người dân bản xứ gọi Chùa Bà Bình Dương linh thiêng. Là một trong những ngôi chùa nổi tiếng ở Bình Dương do hội người Việt gốc Hoa đóng góp và xây dựng nên để thờ vị nữ thần Thiên Hậu Thánh Mẫu.



             Kiến trúc Miếu Bà gồm 3 dãy nhà: ở giữa là chính điện đề ba chữ “Thiên Hậu Cung”, trên hai cánh cửa chính đề bốn chữ “Quốc Thái Dân An”, hai bên là hai cặp câu đối ca ngợi công đức của Bà.

             2.3. Chùa Ông Ngựa (chùa Ông, chùa Thanh An): đường Hùng Vương, phường Phú Cường, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương


             Ngôi chùa có tượng ngựa Xích Thố “trấn giữ”. Chùa có kiến trúc hình chữ “Nhất” chỉ gồm một dãy nhà, được xây dựng theo phong cách kiến trúc chùa chiền Huế. Thờ phụng vị thánh Quan Vũ, Đức thánh Trần Hưng Đạo, vị anh hùng dân tộc Việt Nam. Ngoài ra còn thờ 30 vị anh hùng lịch sử cận đại như Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung… để tỏ lòng tri ân. Du khách đến chùa Ông Ngựa đều cúi đầu luồn qua bụng “thần ngựa” ngay cổng chính lấy may, cầu mong gia đạo êm ấm, con cháu thành tài.

             2.4. Chùa Tây Tạng: 46B, Thích Quảng Đức, Phường Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương

             Đây là một ngôi chùa độc đáo, là địa điểm tâm linh nổi tiếng tại Bình Dương. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông, do Hòa thượng Nhẫn Tế Chơn Phổ sáng lập vào năm 1928, có tên là chùa Bửu Hương. Đến năm 1937, chùa được đổi tên thành chùa Tây Tạng.

             Nét nổi bật nhất là chùa được xây dựng theo kiến trúc của một ngôi tự viện Phật giáo Tây Tạng, trên tầng thượng tượng Ngũ Trí Như Lai theo bố cục Mandala - biểu tượng của Phật giáo Mật tông. Nơi đây thu hút du khách bằng bức tượng Đạt Ma Sư Tổ tết bằng tóc lớn nhất Việt Nam. Điểm đặc biệt của bức tượng còn nằm ở vẻ ngoài đậm chất Việt Nam khi Đạt Ma treo nón lá trên đòn gánh.

             Bạn sẽ được nghe sư thầy kể lại câu chuyện nhà sư Minh Tịnh đi tham bái Ấn Độ, Tây Tạng vào những năm 1935 – 1937, ông là nhà sư đầu tiên nước ta đặt chân đến vùng đất tổ của Phật giáo.

             2.5. Chùa Châu Thới: phường Bình An, thành phố Dĩ An, Bình Dương

             Chùa Châu Thới được xây dựng năm 1612 là ngôi chùa lâu đời nhất ở Bình Dương. Chùa nằm trên núi Châu Thới, cách chân núi 220 bậc thang. Đến bậc thang thứ 170, du khách gặp hòn đá “Tà lão trung sơn”, người dân gọi hòn đá này là “ông Tà”, vị thần giữ cửa chùa. Với độ cao cách mặt nước biển 82m, nơi đây được mệnh danh là một thắng cảnh giữa một vùng đồng bằng rộng lớn, đứng từ xa thấy rõ cổ tự với 2 bức tượng phật Quan Âm cao 22,5m, nặng 100 tấn đặt trên đỉnh núi.


             Đến với chùa Châu Thới, du khách được nghe kể sự tích hòn đá thần cầu an, lời truyền ngôi cổ tự “sát tình yêu” li kì, hấp dẫn; tìm hiểu lịch sử di dân lập ấp của người dân Nam Bộ.

             4. Kết thúc hành trình
          
           Xe đưa quý khách về điểm trả khách, kết thúc chuyến hành trình. Hy vọng du khách được “Tâm thành Phật chứng”.

            5. Chi phí: 580.000 đồng/khách


            * Giá chương trình đã bao gồm:

            - Xe vận chuyển du lịch đời mới (16s, 29s, 33s, 45s) theo suốt chương trình. Nhằm đảm bảo các quy định về phòng tránh dịch COVID 19 số lượng khách sẽ được bố trí 25 - 30 khách/xe đối với xe 45s, 15 - 24 khách/xe đối với xe 29s, 8-10 khách/xe đối với xe 16s. 

            - 02 chai nước suối/khách/ngày; 01 khăn lạnh/khách/ngày.

            - Ăn uống gồm 01 bữa ăn trưa tại nhà hàng chay. 

            - Hướng dẫn viên Tiếng Việt theo suốt chương trình. 

            - Bảo hiểm du lịch theo quy định của Tổng cục Du lịch với mức bồi thường: 20.000.000 đồng/khách/trường hợp.

            * Giá chương trình không bao gồm:

            - Thuế VAT.

            - Các chi phí cá nhân khác ngoài chương trình: ăn uống, điện thoại, vé tham gia các trò chơi tại điểm tham quan...

            - Tiền bồi dưỡng (tip) cho Hướng dẫn viên, tài xế.

          Trân trọng./.